Trong xã
hội phong kiến Việt Nam, các nhà nước phong kiến muốn duy trì sự tồn tại và
phát triển, họ luôn có những chính sách nhằm củng cố địa vị và quyền lợi đến tối
cao. Trong những chính sách đó, chính sách ruộng đất – tư liệu sản xuất của nông
dân, được xem là trụ cột, xuyên suốt và quan trọng của nhà nước phong kiến. Với một đất nước có nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp trồng lúa nước thì nông dân
là thành phần chiếm đại đa số trong cơ cấu xã hội. Người nông dân chính là lực
lượng chính tạo ra của cải vật chất, lực lượng sản xuất chủ yếu để duy trì sự
tồn tại của chính quyền phong kiến, song họ lại không có địa vị trong xã hội,
đời sống cực khổ, bị áp bức bóc lột nặng nề: tô thuế, lao dịch…Theo C. Mác:
“Người nông dân không có điều kiện làm ăn sinh sống mà tô thuế ngày đêm thúc
giục, hành hạ họ, trong hoàn cảnh bị chà đạp trong ngu muội, lạc hậu, họ không
thể nào nhìn thấy được nguyên nhân của tình trạng đau khổ của mình. Tất nhiên
ách tô thuế trở thành nguyên nhân trực tiếp đập vào mắt họ. Vì vậy, yêu cầu bức
thiết là thoát khỏi ngay tình trạng đói nghèo để tiếp tục được sống, đấu tranh.”
Không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột nặng nề đó người nông dân đã đứng lên đấu
tranh. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử,
khởi nguồn của nó chủ yếu xuất phát từ chính sách ruộng đất do giai cấp cầm
quyền thực hiện. Như đã biết ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu của người
nông dân thời trung đại, sự nổi dậy của phong trào nông dân phần lớn do vấn đề
ruộng đất. Và sự phát triển của phong trào nông dân trong một giai đoạn lịch sử
như thế nào, tùy thuộc vào chính sách ruộng đất của nhà nước và tình hình ruộng
đất của xã hội đương thời. Vì vậy, giữa chính sách ruộng đất và phong trào nông
dân nổi lên một mối quan hệ đặc biệt có tác động qua lại với nhau, tạo nên những
đặc trưng, hệ quả xuất phát từ mối quan hệ điển hình này. Để thấy được mối quan
hệ xuyên suốt này, ta tìm hiểu “chính sách ruộng đất và phonh trào nông dân thời
kỳ nhà Lê từ thế kỷ XV-XVI”, qua đó giúp ta hiểu được mối quan hệ giữa chính
sách ruộng đất và phong trào nông dân trong lịch sử phong kiến Việt Nam nói chung, thời kỳ nhà Hậu Lê nói riêng.